Đạo Phật tại Lào
Lào là xứ sở của Phật giáo tiểu thừa, 90% dân số theo đạo Phật. Đạo Phật được truyền vào xứ Lào trong triều vua Dvaravati vào thế kỷ thứ 7, và từ thế kỷ 14 Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Người dân Lào đã thấm nhuần trong mình những lời Phật dạy, một mực kính trọng các bậc tăng ni, những vị sư sãi trong chùa. Với dân số khoảng hơn 6 triệu người và có tới 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ, Lào là nước có tỉ lệ chùa so với dân cao nhất thế giới. Chùa gắn liền với trường học, gắn cả với đời, sư sãi ăn uống bình thường như dân dã. Phật tử Lào thường tích đức bằng nhiều hoạt động gọi là Thiện Nghiệp. Vào những dịp lễ hội, Lào hấp dẫn khách du lịch và các Phật tử đến tham quan, tìm hiểu Phật giáo không kém gì xứ sở chùa vàng - đất nước láng giềng Thái Lan.
Tết Lào
Mỗi nước đều có ngày tết truyền thống theo phong tục của riêng mình. Và với Lào thì tết Lào là tết cổ truyền Bunpimay hay còn gọi là Tết té nước diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 4 hàng năm. Người dân té nước để cầu may, bình yên cho cả năm. Đầu tiên họ tưới nước lên các tượng Phật, sau đó còn té nước vào các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa, rồi đến những người xung quanh. Họ còn té nước vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Trong những ngày này, người dân còn xây tháp cát, phóng sinh, ăn món lạp, hái hoa tươi, buộc chỉ cổ tay. Với người Lào, những phong tục trong lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc cho cuộc sống, là dịp để nuôi dưỡng và hun đúc nghệ thuật dân tộc.
Lễ hội Lào
Lào còn được coi là đất nước của những lễ hội, tháng nào trong năm cũng có. Lễ hội ở Lào hay còn được gọi là Bun, nghĩa là phước, làm Bun nghĩa là làm phước để được phước. Cũng giống như các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, lễ hội tại đất nước Lào cũng chia làm hai phần: phần lễ là phần nghi thức do chính con người đặt ra để giao cảm với thần linh và phần hội chủ yếu là vui chơi, giải trí. Các lễ hội lớn của Lào gồm Bun Pha Vet (Phật hóa thân) vào tháng 1; Bun Visakha Puya (lễ Phật đản) vào tháng 4; Bun BangPhay (pháo thăng thiên) vào tháng 5; Bun Khao PhanSa - (mùa chay) vào tháng 7; Bun Khao Padapdin (tưởng nhớ những người đã mất) vào tháng 9; Bun Suanghua (đua thuyền) vào tháng 10. Lễ hội tại Lào luôn gắn liền với chùa.
Trong ý nghĩ chúng ta, người Lào anh em rất gần gũi và hầu như không gặp trở ngại gì lớn trong văn hóa và giao tiếp. Tiếp xúc nhiều, thực tế đó càng rõ hơn, người Lào và những thứ thuộc về họ rất tuyệt. Dưới đây là những điểm mà người Lào hơn hẳn với chúng ta, ít nhất là những gì mà ta nghĩ về họ
Sự lễ phép: Người Lào gặp nhau, người dưới chắp tay chào người trên; trẻ em chắp tay chào người lớn, không bao giờ họ lớn tiếng cãi nhau.
Sự thật thà: Người Lào rất thật thà, chất phát. Ngay cả trong buôn bán, hàng hóa bày ra, người mua chỉ việc chọn hàng rồi để lại một số tiền tương ứng. kể cả khi chủ cửa hàng không có mặt tại quầy.
Coi trọng danh dự: người Lào rất ít khi gây gỗ với nhau, ngay cả trong chợ cũng vậy. Không nên trêu chọc người thân, bạn gái hay vợ của người Lào, tránh những hành vi khiếm nhã.