Chatuchak nằm trên đường Panothynin, mở cửa từ 8g sáng đến 6g chiều vào 2 ngày thứ 7 và chủ nhật. Có nhiều cách để tới chợ Chatuchak từ bất cứ nơi nào của thủ đô Bangkok, vô cùng thuận tiện với chi phí rất rẻ như xe buýt (loại có điều hòa gồm các tuyến số 502, 503, 509, 510, 512, 513), buýt thường tuyến số 77, tuktuk, taxi, xe ôm…
Tuy nhiên, 2 cách phổ biến và được ưa chuộng hơn cả vì mức độ thuận lợi, nhanh chóng, tiện nghi và giá cả đó chính là di chuyển bằng tàu điện ngầm metro hoặc tàu điện trên không (gọi là Skytrain hoặc BTS). Nếu đi tàu điện ngầm bạn sẽ chọn mua vé tới ga Chatuchak Park, vừa bước ra khỏi khu vực ga là gặp ngay chợ Chatuchak ở phía bên kia đường. Nếu đi Skytrain (BTS) thì bạn chọn ga cuối cùng là ga Mochit, theo lối chỉ dẫn xuống cầu thang, đi dọc công viên Chatuchak chừng vài phút là tới chợ. Chatuchak tọa lạc trên một khu đất rộng lớn với khoảng 15.000 gian hàng các loại, mỗi ngày tiếp đón hàng trăm ngàn lượt người tới mua sắm. Chợ thật sự có một sức hấp dẫn đặc biệt, không chỉ với phụ nữ mà với cả đàn ông, từ trẻ em tới người già, khách du lịch trong hay ngoài nước, khi đến Bangkok và có dự tính đi shopping, thế nào cũng được giới thiệu tới Chatuchak. Ở đây có đủ thượng vàng hạ cám các loại hàng hóa, từ rắn sống, gà sống đến hoa cỏ, cây cối, trái cây tươi roi rói, từ các gian hàng thủ công mỹ nghệ đến các đồ mỹ phẩm tiêu dùng, đồ điện tử.. Và đặc biệt phong phú nhất, la liệt nhất, đó chính là quần áo, giày dép và các loại hàng dệt may khác. Chatuchak đúng là một ‘nhà kho’ khổng lồ của hàng dệt may, đa dạng về chủng loại, rực rỡ về sắc màu và cực kỳ ấn tượng về giá cả. Náo nhiệt vô cùng. Nói về cách bán hàng của người Thái, tôi đã từng nhiều phen đứng ngây người giữa chợ và bật cười nắc nẻ khi thấy đột nhiên giữa bầu không khí náo nhiệt người qua kẻ lại, một tiếng còi rít lên, và rồi tiếng vỗ tay đôm đốp kèm theo đó là một tràng tiếng Thái vang lên lanh lảnh, giống như là ‘Tới đây, tới đây – Mua ngay kẻo hết – Mua 1 tặng 5′.
Cực kỳ nhiều cách khuyến mãi bán hàng để hấp dẫn người mua, giá rẻ giật mình, mua hàng nhiều được giảm giá hoặc tặng quà… Người xem có quyền xem thoải mái, mặc cả cũng tùy ý, người bán vẫn luôn tươi cười, dù được giá hay không vẫn luôn giữ thái độ thân thiện. Đó chính là điều khiến người mua hàng và những du khách như chúng tôi cứ sà vào hết gian hàng này lại chạy ùa vào gian hàng khác, không mỏi mệt, thậm chí rất say mê… Thời tiết ở Thái Lan khá nóng, việc lang thang hàng giờ giữa các quầy đầy ắp hàng và đông nghẹt người đôi khi khiến bạn thấy chóng mặt. Đừng ngại, nếu bạn khát, đâu đó ở lẫn giữa các gian hàng hóa kia thế nào cũng có một gian hàng bán trái cây ướp lạnh ngon tuyệt hay những ly nước quả ép tươi rói, chỉ với 20 baht (khoảng 10.000đ) là đủ để xua tan đi những bức bối của thời tiết. Còn nếu đói bụng, bạn cũng khá dễ dàng tìm thấy các khu đồ ăn nhanh như mỳ, bún gạo, cơm… theo kiểu Thái vừa ngon vừa rẻ, vừa đảm bảo vệ sinh. Tại các lối đi lớn ngoài trời và cũng là đường phân chia các khu nhà của Chatuchak, lẫn giữa những ồn ào phố chợ, bạn có thể sẽ giật mình khi chợt nghe một giai điệu Thái trong trẻo, một bản sáo trúc bập bùng hay tròn mắt ngạc nhiên với những trò ảo thuật kỳ lạ… của những nghệ sỹ nghiệp dư hè phố. Một số người tới đây và kiếm tiền bằng cách biểu diễn một vài trò vui gì đó cho khách đi chơi chợ để được thưởng công. Các nghệ sỹ ‘cuối tuần’ này lao động khá nghiêm túc, và nếu khán giả đi qua thấy hài lòng, họ có thể nán lại để mua cho người biểu diễn vài món đồ nho nhỏ hoặc thưởng công tùy tâm.
Chúng tôi rời chợ Chatuchak sau gần nửa ngày chìm nghỉm giữa những gian hàng, những manơcanh xinh đẹp cổ đeo lủng lẳng tấm bảng giá, chỉ có 40 baht! Ví dụ thế. Chúng tôi phá ra cười khi thấy mình không khác gì các vị khách hàng đã được miêu tả trong sách Lonely Planet rằng ‘khách hàng luôn rời khỏi chợ Chatuchak với một chiếc vĩ rỗng tuếch, tay xách nách mang và dường như kiệt sức vì mỏi mệt. Điều đó thật tức cười’! Thật may khi ngay bên kia đường là Công viên Chatuchak xinh đẹp với những bãi cỏ xanh mượt. Chúng tôi thả mình nằm kềnh cang trên bãi cỏ, ngước mắt nhìn trời, lần tìm trong túi quần những đồng xu baht cuối cùng sẽ mang về quê làm kỷ niệm, nghĩ đến những món hàng đã tậu được mà thấy tâm hồn lâng lâng. Xung quanh chúng tôi có vô số nhóm bạn trẻ, khách du lịch nước ngoài đang ngồi thành tốp ăn vặt và chuyện phiếm, trẻ con nô đùa quanh đu quay hay cầu bập bênh. Cuộc sống náo nhiệt nhưng cũng rất yên bình, những mệt mỏi và kiệt sức vì ‘đi chợ’ sẽ chẳng mấy mà tan biến… Hàng hóa ở Thái Lan nói chung và chợ Chatuchak nói riêng tuy rẻ nhưng luôn tạo ra độ tin cậy nhất định đối với nhiều người ở Việt Nam, khác hẳn với loại hàng chợ của Trung Quốc. Và đó chính là lý do tại sao tôi muốn hỏi bạn rằng với chợ cuối tuần Chatuchak, bạn đã đi chưa?